Vào ngày 21/3/2020, Italy đã tạm dừng hoạt động tất cả các ngành công nghiệp không thiết yếu để đối phó với đợt bùng phát Covid-19. Nhu cầu về điện và giá bán buôn sụt giảm. Đây dường như là thời điểm khó khăn đối với ngành kinh doanh năng lượng.
Nhưng Roberto Bracco và nhóm của ông tại Repower AG – công ty điện lực Thuỵ Sĩ – đã có hơn một thập kỷ triển khai mô hình giao dịch giúp họ kiếm được số tiền lớn ngay cả khi kinh tế trong giai đoạn khó khăn nhất.
Bracco biết rằng nhà máy phát điện bằng khí đốt của công ty ông sẽ thua lỗ nếu bán điện cho thị trường thông thường ở Italy. Ở quốc gia này, các công ty sẽ giao dịch trong hôm trước phiên hoạt động chính, hay còn gọi là day-ahead. Trong phiên này các nhà sản xuất sẽ trình trước khả năng sản xuất và rao giá bán điện của từng nhà máy. Các nhà máy điện sẽ được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện với các công ty. Nhưng Bracco cho biết rằng nhà máy của ông có thể đứng ngoài thị trường và làm ăn tốt hơn thế.
Bất cứ khi nào giao dịch trong ngày không đủ điện cung cấp cho một khu vực nào đó, đơn vị quản lý lưới điện của Italy là công ty Terna SpA sẽ có nhiệm vụ lấp đầy khoảng trống. Họ sẽ mua điện ở một thị trường phụ trợ, nơi luôn bán điện với giá đắt hơn.
Trong thị trường “điều phối” đó, nhà máy của Repower tại Teverola đã nắm trọn sức mạnh thị trường. Họ là một trong ba nhà máy điện gần Naples, có vai trò quan trọng trong việc duy trì điện của khu vực.
Chiến lược của Bracco là nhà máy sẽ không tham gia vào day-ahead, nhưng vẫn chào bán điện trên thị trường phụ trợ với mức giá 490 euro/MWh, tức cao gấp khoảng 18 lần giá điện bình quân của ngày hôm đó. Terna đã chấp nhận lời đề nghị từ nhà máy của Bracco trong 24 giờ liên tục. Theo phân tích của Bloomberg News, kết quả là nhà sản xuất này thu về 1,88 triệu euro thay vì chỉ 100.840 euro như giá rao bán của phiên day-ahead. Theo Bracco, một ngày đáng ra bị thua lỗ lại trở thành một ngày lãi lớn.
Trong nhiều năm, hơn chục công ty điện lực của Italy bao gồm cả công ty quốc doanh Enel SpA đã triển khai mô hình kinh doanh tương tự trên thị trường điều phối này.
Trước Covid, các công ty thường nhận khoản bảo hiểm cao hơn cho Chủ nhật và các ngày lễ, vì nhu cầu năng lượng thường giảm. Trong thời gian Italy phong toả toàn quốc, phí bảo hiểm đã tăng vọt. Mỗi ngày mới bắt đầu đều giống như ngày Chủ nhật.
Theo phân tích của Bloomberg về hàng triệu hồ sơ giao dịch điện của Italy, từ năm 2018-2022, các công ty sử dụng phương pháp này đã nhận được phí bảo hiểm điều phối cao gấp 3,9 tỷ euro so với mức giá lẽ ra phải rao ngày hôm trước.
Hoạt động này không hề bất hợp pháp. Công ty Repower và các nhà sản xuất khác lý giải rằng họ phải làm như vậy để tránh thua lỗ trong thị trường thường xuyên biến động và giá thấp. Ông Bracco cho biết day-ahead “luôn là thị trường chính để bán sản phẩm của nhà máy”. Nhưng nếu khi nào điện không được bán trên thị trường này thì là do tỷ suất lợi nhuận âm và doanh thu không đủ để trang trải chi phí sản xuất.
Mặc dù vậy, từ phát biểu vui mừng của các lãnh đạo trong cuộc họp báo cáo hoạt động kinh doanh, thị trường điều phối đã giúp họ ăn nên làm ra hơn là chỉ đơn thuần tránh thua lỗ. Chỉ riêng năm 2020, phí bảo hiểm điều phối đã lên tới 1,2 tỷ euro, cao hơn 238% so với mức mà các công ty sẽ nhận được theo giá của ngày trước phiên giao dịch chính.
Bracco cho biết ông chỉ mong họ trụ được qua giai đoạn phong toả, nhưng mức lợi nhuận khổng lồ của Repower vào năm 2020 khiến ông vô cùng ngạc nhiên.
Năm 2022, các cơ quan chức năng của Italy đã đưa ra nỗ lực thay đổi. Terna hiện trả cho nhiều nhà sản xuất một khoản phí hàng năm để đảm bảo nguồn cung, đồng thời giới hạn giá ở thị trường phụ trợ.
Tham khảo Bloomberg
Lấy link!
https://markettimes.vn/chi-mot-thu-thuat-day-la-cach-cong-ty-dien-luc-o-mot-quoc-gia-chau-au-ban-dien-gia-cao-gap-18-lan-kiem-loi-toi-238-ngay-ca-trong-dai-dich-47132.html
Nguồn: Cafebiz.vn